Tăng lợi thế cạnh tranh bằng năng suất lao động?

Hội thảo mang tên “Tăng năng lực cạnh tranh bằng năng suất lao động” vừa được tổ chức tại TPHCM để lại cho tôi nhiều băn khoăn. Câu hỏi đặt ra là năng suất lao động (NSLĐ) của một doanh nghiệp được đo bằng gì, và liệu rằng việc tăng NSLĐ có tạo cho doanh nghiệp lợi thế cạnh tranh bền vững?

40732 tang loi the canh tranh bang nang suat lao dong

Khái niệm NSLĐ gần đây hay được nhiều người nhắc đến. Có những diễn đàn, hội thảo bàn về NSLĐ quốc gia, ở đó nhiều con số được đưa ra để so sánh NSLĐ Việt Nam với các nước khác và kết luận rằng NSLĐ của người Việt Nam quá thấp (thấp hơn Singapore gần 15 lần, Nhật Bản 11 lần, và Hàn Quốc 10 lần...). Cũng có những diễn đàn, hội thảo về NSLĐ của doanh nghiệp, ở đó nhiều chuyên gia cho rằng NSLĐ của doanh nghiệp Việt Nam quá thấp (so với doanh nghiệp nước ngoài), đồng thời cho rằng tăng NSLĐ cho doanh nghiệp là một trong những cách thức để tăng lợi thế cạnh tranh.

Tôi xin chia sẻ một góc nhìn khác về chủ đề này.

Khi đo NSLĐ bình quân của một quốc gia, người ta thường lấy giá trị tổng sản lượng quốc nội (GDP) chia cho số lượng người lao động đang làm việc (hoặc số người trong độ tuổi lao động); rồi từ đó, so sánh để kết luận NSLĐ của quốc gia này cao hơn hay thấp hơn quốc gia khác. Đối với doanh nghiệp, người ta hay lấy tổng doanh số của doanh nghiệp chia cho tổng số lượng người lao động hoặc chia cho tổng quỹ lương; rồi từ đó, kết luận doanh nghiệp này có NSLĐ cao hay thấp hơn doanh nghiệp khác. Còn để tăng NSLĐ, nhiều ý kiến cho rằng phải đào tạo để nâng cao tay nghề, phải tổ chức quản lý tốt công việc, phải ứng dụng công nghệ, kỹ thuật, phải đầu tư máy móc, thiết bị...

Tôi cho rằng cách tính (và so sánh) NSLĐ theo kiểu này thực ra không mấy ý nghĩa và càng không mấy ý nghĩa khi muốn tăng lợi thế cạnh tranh (của quốc gia hay doanh nghiệp) bằng cách tăng NSLĐ. Vì sao như vậy?

Việc lấy GDP của một quốc gia chia cho tổng số người lao động (ở nhiều ngành nghề khác nhau) trong quốc gia đó để tính NSLĐ bình quân quốc gia, hay lấy tổng doanh số của một doanh nghiệp chia cho tổng số lượng cán bộ nhân viên (công việc khác nhau, ở các phòng ban khác nhau) để tính NSLĐ bình quân của doanh nghiệp là hoàn toàn vô nghĩa.

Bản thân GDP và GDP trên đầu người đã nói lên trình độ phát triển của một nước. Và nếu NSLĐ cũng quy ra tiền trên đầu người lao động thì nó cũng chẳng bổ sung thêm chút ý nghĩa nào mới so với cách tính GDP trên đầu người.

Việc so sánh NSLĐ bao giờ cũng phải gắn liền với một loại công việc như nhau. Ví dụ, cùng là công nhân đóng một loại đế giày, nhưng năng suất của công nhân nhà máy A cao hơn năng suất của công nhân nhà máy B (nhờ tay nghề, máy móc, cách thức tổ chức sản xuất...). Nếu đem NSLĐ của công nhân đóng đế giày so với NSLĐ của công nhân sản xuất vi mạch điện tử thì sự so sánh này quá ư khập khiễng!

Mặt khác, một quốc gia hay doanh nghiệp có NSLĐ thấp (theo cách hiểu như trên) thực ra không hoàn toàn là vì người lao động của quốc gia/doanh nghiệp đó đang làm việc với năng suất thấp; mà chủ yếu là, vì lý do nào đó, họ buộc phải làm ra những sản phẩm hay dịch vụ có giá trị thấp (ví dụ sản xuất lúa, gạo thay vì điện thoại di động hay dược phẩm). Nếu so sánh từng cặp công nhân hay kỹ sư trong cùng một điều kiện làm việc, với cùng một công việc, chưa chắc các nước khác đã vượt trội hơn Việt Nam về năng suất. Nhưng về tổng thể, ta thua kém nhiều (thể hiện qua GDP đầu người) là vì ta toàn làm ra những thứ không mấy giá trị so với nước khác (ta sản xuất nông nghiệp, khai thác tài nguyên thô, may gia công... trong khi họ sản xuất ô tô, mỹ phẩm, hàng điện tử...).

Vậy thì, để tăng NSLĐ bình quân quốc gia (theo cách hiểu như trên) không phải chỉ có cách “hì hục” tăng năng suất của người lao động bằng cách đào tạo tay nghề hay trang bị máy móc, công nghệ hay tổ chức sản xuất tốt (tức “do things right”), mà quan trọng hơn, phải bằng cách thay đổi cơ cấu sản xuất, tái cấu trúc, thay đổi cách thức vận hành nền kinh tế để làm ra những sản phẩm, dịch vụ có giá trị cao hơn (tức “do right things”), nghĩa là bằng cách tăng GDP trên đầu người.

Đối với một doanh nghiệp cũng vậy, bên cạnh việc đào tạo, nâng cao tay nghề cho nhân viên, đầu tư máy móc, tổ chức sản xuất tốt để tăng năng suất; quan trọng hơn vẫn là phải làm sao để gia tăng doanh số, lợi nhuận, thị phần bằng chiến lược kinh doanh, cách thức làm tiếp thị, xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường mới, sản phẩm mới...

Bằng cách tăng NSLĐ, một doanh nghiệp có thể nâng cao năng lực cạnh tranh hay không? Tôi cho rằng có, nhưng không nhiều (trừ khi doanh nghiệp đủ sức để theo đuổi chiến lược giá thấp - low cost strategy) và đó không phải là giải pháp căn cơ để doanh nghiệp có được lợi thế cạnh tranh bền vững. Tăng năng suất, làm ra được nhiều sản phẩm, nhưng không bán được hoặc bán với giá quá “bèo” thì việc tăng năng suất đó có khi còn đem lại tác dụng ngược, chẳng những không làm tăng mà còn làm giảm lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp.

Tóm lại, trước khi nói đến chuyện làm việc đúng phương pháp (do things right) để tăng năng suất, doanh nghiệp hay quốc gia cần phải chọn con đường đúng để đi, việc đúng để làm (do right things). Một khi đã chọn chiến lược sai, việc làm sai thì càng làm giỏi, làm nhanh, hậu quả sẽ chỉ càng thêm tồi tệ!

Nguồn: thesaigontimes